Hoài Nhơn-Tư tưởng Nhân chính ở trọng địa vùng biên viễn

Cuộc chiến Việt – Chiêm năm 1470 – 1471 là một tất yếu lịch sử. Nó thể hiện trong mục tiêu kép của chính quyền Lê Thánh Tông thời bấy giờ. Một là củng cố biên giới phía Bắc, hai là cần khôi phục các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa đã được định hình thời nhà Hồ, ba là mở rộng biên giới, phát triển chính sách ki mi với các tiểu quốc lân cận. Bình Chiêm an quốc là phương châm mà Trần Thủ Độ đã xây dựng từ thời Trần, đến Bình Chiêm sách của Lê Thánh Tông là sự khẳng nhận và tiếp nối, nhằm ngăn chặn sự quấy rối của các lực lượng quân Chăm Pa thường xuyên xâm lấn biên giới Đại Việt mà vùng Vijaya (tức Bình Định ngày nay) lại là một trong những trọng địa, chiến trường ác liệt nhất. Đây cũng là cuộc trả đũa của Lê Thánh Tông nhân việc vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hóa vào tháng 8 năm Canh Dần (1470). Nhà vua quyết định mở cuộc Chiêm phạt bằng một đòn tối hậu, nhằm giải quyết tận gốc vấn đề an ninh biên giới phía Nam. Vì vậy, việc chuẩn bị xuất quân cực kỳ chu đáo.

 

 

Đường cái quan qua Hoài Nhơn thời Pháp. Ảnh: Tư liệu

        Theo Đại Nam nhất thống chí, tháng 3 năm 1471, sau khi đánh chiếm Đồ Bàn, Lê Thánh Tông sát nhập vùng đất mới chiếm vào đạo Quảng Nam. Nhà vua đã cho thành lập phủ Hoài Nhơn 懷 仁, gồm đất của ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Hoài Nhơn là một trong ba phủ của đạo Thừa tuyên Quảng Nam thời hậu Lê. Hoài Nhơn nguyên danh đọc là Hoài Nhân, âm Nhân về sau do kị húy mà đọc thành Nhơn. Vì sao có tên gọi này? Theo chúng tôi, việc đặt tên các địa danh trong lịch sử Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn bắt đầu tư tư tưởng Nhân chính của Nho giáo mà các triều đại phong kiến nước ta đã thực thi. Địa danh Hoài Nhơn được sử dụng để đặt tên cho vùng đất biên viễn giữa Việt và Chiêm sau 1471, nó thể hiện tư tưởng – chính sách hòa nhu, lạt mềm buộc chặt, gắn kết giữa chính quyền Đại Việt và các tộc người lân cận. Sau khi định hình vùng đất này, Lê Thánh Tông đã có một số chính sách xây dựng vùng phên giậu, đảm bảo cho sự ổn định và Nam tiến của các chúa Nguyễn.

Võ Minh Hải

 (TT Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Scroll to Top