Lòng tôn sư của cậu học trò Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, thầy giáo Lê Đức Giảng là thầy chủ nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 1954, thầy Lê Đức Giảng từ Quy Nhơn tập kết ra Bắc, dạy tại các trường học sinh miền Nam, sau khi tốt nghiệp khoa lịch sử trường Đại học sư phạm Hà Nội, tháng 9 năm 1961 thầy được điều chuyển về dạy tại trường cấp III Nguyễn Gia Thiều đảm nhận môn Lịch sử và là Chủ nhiệm lớp 9B. Chia sẻ về những kỷ niệm một thời phấn trắng bảng đen của chồng, cụ bà Phan Thị Cấu kể lại, khi ấy cậu học trò Nguyễn Phú Trọng ở nhờ trong chùa, ánh sáng tù mù không đủ để học tập, thầy Giảng đã ngỏ ý cho cậu học trò sang ở cùng phòng giáo viên với thầy, vì phòng thầy sáng sủa đèn đóm. Thế là hai thầy trò cùng ở cùng học tập, làm việc với nhau, từ những đêm hè nóng bức đến những đêm đông rét buốt chia đôi một chiếc chăn. Những đêm có cậu trò ngủ lại, thầy cũng vơi bớt phần nào trống trải, tình cảm thầy trò cũng thắm thiết từ đó. Khi ấy ông Nguyễn Phú Trọng cũng đảm nhiệm chức Bí thư Chi đoàn và là lớp trưởng lớp 9B; cậu trò sáng dạ và minh lương trong những phiên họp lớp cậu truyền đạt và quán xuyến tất cả, thầy chủ nhiệm chỉ cần cho góp ý thay vì phải truyền đạt, các bạn trong lớp rất nể cậu lớp trưởng vì lực học và tố chất lãnh đạo từ thuở đó. Năm 1964, thầy Giảng được điều về Quảng Nam tiếp tục dạy học ở vùng kháng chiến cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thầy trò cũng mất kết nối từ dạo đó, bẵng một thời gian sau, có cậu học trò trong lớp 9B ngày xưa đi kháng chiến và gặp lại, thầy trò ôm nhau vỡ òa trong xúc động! Sợi dây liên lạc dần tái kết nối.

“Cô nói em nghe!”

Bà Phan Thị Cấu vẫn bồi hồi mỗi khi nhớ lại hôm vị Tổng bí thư đến thăm người thầy cũ nhân dịp đến Quy Nhơn làm việc. Bà chia sẻ, những hàng dài xe ô tô và công an mặc cảnh phục đưa ông đến trước đường nhà bà, nhưng vị lãnh đạo không cho ai tháp tùng, đơn thân vào nhà thầy với tư cách một học trò cũ. Thầy trò hàn huyên ôn chuyện xưa, hỏi thăm sau bao nhiêu năm. Khi xuống cầu thang, thầy Giảng đi phía trước, bà Cấu đi sau cùng ông Nguyễn Phú Trọng, bà tâm tình: “Thầy ơi, ở trên đời quyền quý cao sang gì tôi không biết, nhưng tôi quý nhất là tình cảm!” ông đáp lại vỏn vẹn 4 chữ, bà vẫn nhớ như in: “Cô nói em nghe!”. Dẫu chức vị bấy giờ là Tổng bí thư, quyền cao chức trọng nhưng ông vẫn nhớ đến người thầy chủ nhiệm năm nào, vẫn là cậu học trò chân phương, không quan cách. Khi xuống dưới nhà, bà con bồng cháu đứng chờ “trông” vị lãnh đạo, ông không vội xa cách mà đứng lại chào hỏi, bắt tay từng người, bồng các em nhỏ gần bên. Năm 2023, khi hay tin người thầy năm nào qua đời, cậu học trò cũ gửi hoa viếng và điện về chia buồn. Giờ đây, khi nhắc về cậu học sinh trọng tình nghĩa, bà vẫn nhớ như in bốn chữ “Cô nói em nghe!” của ông. Dẫu trí nhớ của tuổi già lúc rõ lúc quên, nhưng kỷ niệm đó bà vẫn không sao quên được. Hay tin vị lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng mất, bà rơm rớm vì “thương vô cùng con ơi!”.

Ghi chép của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định theo lời kể của cụ bà Phan Thị Cấu.

Dưới đây là một số hình ảnh về vị Tổng Bí thư quá cố, tư liệu được chụp tại nhà thầy giáo Lê Đức Giảng.

Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

THƯ NGỎ

     Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về tổ chức các hoạt động nhân dịp Kỷ niệm 70 năm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam hoàn thành việc

Scroll to Top