NƠI CẢM XÚC LẮNG ĐỌNG

Đã gần 02 tháng trôi qua, kể từ ngày khai mạc triển lãm trưng bày tài liệu chuyên đề “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc” tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định. Tại không gian trưng bày, Trung tâm đã chuẩn bị sổ ghi cảm tưởng và không gian riêng tư để du khách có thể thoải mái ghi lại cảm xúc khi đến tham quan.

Ảnh: Cô Nguyễn Thị Thanh Bình ghi sổ ghi cảm tưởng tại Triển lãm.

Có thể chỉ là những thông báo đơn giản, đánh dấu sự có mặt tại Triển lãm như tập thể học sinh lớp 11 Chuyên Lý, THPT Chuyên Lê Quý Đôn: “Tụi em lớp 11 Chuyên Lý đã đến thăm Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định! Tụi em cảm thấy chuyến đi thật ý nghĩa khi được biết về quá khứ miền đất Võ. Thật vui và biết ơn khi cô Hương đã tạo điều kiện cho chúng em được đến thăm nơi này.” cùng chữ ký của các thành viên trong lớp. Hoặc, đó có thể là những câu thơ được cảm xúc gợi lại trong buổi tham quan:

“Ôi Bình Định, đau thương gài trước ngõ

Mẹ ru con trong bóng tối phập phồng

Trong tay áo còn nghe dài tiếng thở

Bỗng thấy quanh thềm hát núi, ca sông.”

Ảnh: Chia sẻ của tập thể học sinh lớp Chuyên Hóa và Chuyên Toán.

Trong những cảm xúc được lưu lại qua giấy mực, đó có thể là cảm xúc của những người con của thế hệ cha mẹ từng là học sinh miền Nam hay cán bộ đi B lưu lại. Trong trang cảm tưởng ngày 28.8, con trai và con dâu của cán bộ đi B – Nguyễn Trọng Châu đã ghi lại sự xúc động trước những kỷ vật đã 68 năm trôi qua: “Hôm nay ngày 28.8.2024 gần 2 năm ngày ba ra đi về với ông bà, những kỷ vật của ba gần 68 năm về trước lại trở về với con với lòng biết ơn, sự kính trọng và tình yêu thương vô hạn. Con lại nhớ đến những lời ba nói với con trước khi mất “Vì đất nước ba đã ra đi và hẹn ngày trở về sau 2 năm chia cắt  đất nước, nhưng chiến tranh đã kéo dài đến 20 năm sau, và thời gian đã lấy đi của ba tuổi thanh xuân, gia đình, máu và nước mắt. Không có gì quý giá hơn tình cảm Bắc – Nam vô cùng thiêng liêng, cao quý!” – Con của ba Nguyễn Trọng Châu”.

Không chỉ con trai, con dâu của cán bộ đi B Nguyễn Trọng Châu cũng rất xúc động trước những kỷ vật của ba, chị lưu lại: “Thật vinh dự, tự hào và xúc động khi tham gia lễ trao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B. Những hồ sơ, kỷ vật của ba đến bây giờ là vô giá. Những năm tháng lịch sử của ba được tái hiện qua những kỷ vật khi được nhận lại trên tay. Thật tự hào khi là con của ba. – Hà Thị Thúy Linh, câu dâu của cán bộ đi B Nguyễn Trọng Châu”.

Ảnh: Anh Liêm và chị Linh chia sẻ cảm xúc tại sổ ghi cảm tưởng.

Trong dòng chảy cảm xúc thế hệ, cô Nguyễn Thị Thanh Bình – con của cán bộ tập kết ra Bắc Bắc ghi lại có đoạn: “….Một thời kỳ lịch sử mà tuổi trẻ của tôi được gắn bó với những hạt giống đỏ của quê hương Bình Định nói riêng và quê hương miền Nam nói chung. Là người con của một cán bộ tập kết của Bình Định ra Bắc, tôi càng thấy tự hào về lớp cha anh đi trước đã đóng góp công lao, xương máu và trí tuệ cho đất nước và cho thế hệ tiếp sau. …”

Ảnh: Lưu bút của cô Bình trong sổ cảm tưởng.

Không chỉ có quan khách trong tỉnh, ngày khai mạc sự kiện cũng có sự tham gia của các du khách tỉnh ngoài. Trong số đó là mẹ con chị Thanh Hằng và bé Nắng Mai, sau khi dự lễ trao trả hồ sơ cho cán bộ đi B và tham quan khu vực trưng bày triển lãm, chị Hằng đã lưu lại những cảm xúc trong buổi sáng ấy.

Ảnh: Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng ghi lưu bút.

Ảnh: Chia sẻ của chị Hằng và bé Nắng Mai.

Những nhân chứng cho một thời sử vàng son, các thế hệ học sinh miền Nam đã tham gia trong ngày khai mạc triển lãm, trong số đó, cô Bùi Thị Xuân Mai – cựu học sinh miền Nam tỉnh Bình Định đã chia sẻ trong sổ: “… Là những học sinh miền Nam năm xưa chúng tôi vô cùng tự hào, đã cố gắng học tập tốt, đã góp phần xây dựng quê hương….”

Ảnh: Cô Xuân Mai cùng những người bạn ghi lưu bút tại không gian triển lãm.

Ảnh: Lưu bút của cô Xuân Mai và người bạn – cô Nguyễn Thị Vỹ, sau buổi tham dự lễ trao trả hồ sơ và khai mạc triển lãm.

Ảnh: Cảm xúc của cựu học sinh miền Nam, cựu cán bộ đi B – Bác Vũ Ngọc Anh ghi lại tại Trung tâm.

 Cùng là thế hệ học sinh miền Nam, bác Phạm Văn Thanh đã ghi lại những rung cảm xúc động trong buổi lễ: “Tôi được xem triển lãm Ký ức thanh xuân trên đất Bắc và dự lễ trao hồ sơ cán bộ tỉnh Bình Định đi B, việc làm này rất có ý nghĩa, thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ ngày nay đối với những đóng góp của các thế hệ lớp người trước – Tôi mong rằng, những gia đình chưa có được các kỷ vật được trao lại, rồi sẽ được cơ quan lưu trữ TW tìm kiếm và trao lại cho gia đình, người thân.”

Ảnh: Lưu bút của bác Phạm Văn Thanh.

Trong không khí sum vầy, kỷ vật về lại với chủ, đâu đó vẫn còn những cá nhân đang ngóng trông từng tin tức về kỷ vật của cha ông mình. Chú Phạm Đình Phong là một trong nhiều người như thế, chia sẻ những cảm xúc xen lẫn tiếc nuối, chú Phong bày tỏ nguyện vọng, mong rằng sẽ sớm ngày nhận được tin báo về kỷ vật của ông ngoại và ba.

Ảnh: Cảm xúc của chú Phạm Đình Phong.

Trong kỷ nguyên số hiện nay, sự phát triển của các nền tảng nhanh chóng đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại, những giá trị nguyên bản cứ thế mà bị bỏ lại, lãng quên. Mạng xã hội phát triển nhanh chóng đưa con người vào vòng xoáy tân thời, họ vội vàng chia sẻ cảm xúc qua những hình ảnh và tương tác. Giữa những biến chuyển vội vàng đó, sổ ghi cảm tưởng là không gian mà Ban tổ chức chọn lựa để du khách ghi lại những cảm xúc một cách nguyên vẹn và đủ đầy, không bị bận tâm đến sự tức thời hay lượt tương tác. Dẫu khác nhau về chủ thể hay câu từ, nhưng tất cả đều có điểm chung là khẳng định sức sống mãnh liệt của những giá trị truyền thống và bày tỏ lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với sự hi sinh của cha ông./.

Hoàng Anh – Ban Truyền thông

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Scroll to Top