Chiều ngày 10.11, Trung tâm Lưu trữ lịch sử (số 12 Mai Hắc Đế, TP Quy Nhơn) đã đón hơn 40 sinh viên Sư phạm Lịch Sử K43 và Sư phạm Lịch Sử – Địa lí K44 (Đại học Quy Nhơn) đến tham quan, học tập.

Tại Phòng trưng bày của Trung tâm, các bạn sinh viên được xem nhiều hiện vật có giá trị như: Lịch sử Bình Định trong mộc bản triều Nguyễn (Di tích thành Chà Bàn, Lược sử thừa tuyên Quang Nam dưới thời vua Lê Thánh Tông (1471), Chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn làm phủ Quy Nhơn …); Sắc phong của các vua Quang Trung, Thái Đức, Cảnh Thịnh, Chiếu thư cho ông Đào Duy Từ được gia tặng Khai Quốc công thần; Bản đồ Quy Nhơn năm 1926, Bản đồ tỉnh Bình Định năm 1951; Di vật, kỷ vật của cán bộ đi B. Sinh viên còn được các Lưu trữ viên của Trung tâm hướng dẫn tham quan kho lưu trữ, giải thích quy trình lưu trữ tài liệu, cũng như giới thiệu những phông lưu trữ trên địa bàn tỉnh Bình Định. Các bạn còn được xem phim 3D “Bình Định theo dòng lịch sử” giúp các em hiểu sâu sắc hơn về quá trình hình thành phát triển, bề dày lịch sử văn hóa, đất và người Bình Định.

Nói chuyện với các em sinh viên, Ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, cho biết: “Trung tâm luôn tạo điều kiện cho các em đến khai thác tài liệu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Bình Định phục vụ cho học tập, nghiên cứu và cũng mong muốn các sinh viên làm cầu nối với Trung tâm, vì nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị trong nhân dân còn nhiều, với chức năng của trung tâm sưu tầm, lưu giữ tài liệu quý, hiếm, để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương đất nước. Ông Lâm Trường Định cho biết thêm, trong năm 2024 Trung tâm sẽ phối hợp tổ chức triển lãm nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng An Lão, triển lãm chữ Quốc ngữ…

Phát biểu với lãnh đạo Trung tâm và các em sinh viên, PGS.TS. Trần Quốc Tuấn (Khoa Sư phạm, Đại học Quy Nhơn) cảm ơn Trung tâm đã đón tiếp, hướng dẫn các em sinh viên tham quan. Mỗi lần vào Trung tâm, thầy tìm thấy những cái mới cần nghiên cứu. Công tác lữu trữ có một ý nghĩa quan trọng. Mong các em sinh viên sau khi tham quan có thể trở lại nghiên cứu những tài liệu quý mà trung tâm đang lưu giữ, phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu của các em. Thầy cũng đặt ra nhiều vấn đề nghiên cứu thêm cho các bạn sinh viên như chuyện thi cử thời xưa ở Bình Định như thế nào, Bình Định đi đầu trong đấu tranh vũ trang ra sao? Nhất là sau này các em dạy lịch sử địa phương nên cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ.

Qua buổi tham quan học tập tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, sinh viên Nguyễn Thị Kiều Oanh (Sư phạm Lịch Sử – Địa lí K44) chia sẻ: Trải nghiệm hôm nay cho em cảm nhận sâu sắc hơn về những hiện vật lịch sử được trưng bày tại Trung tâm, nhất là một giáo viên dạy sử trong tương lại em cần phải cố gắng nhiều hơn trong học tập, nghiên cứu.

Bạn sinh viên nước bạn Lào, Vaythoukhe Saysekaman (Sư phạm Lịch Sử K43) thì cho biết sau khi xem các tư liệu, hiện vật triển lãm và nhất là xem phim 3D “Bình Định theo dòng lịch sử” em thấy quê hương Bình Định rất phát triển.

Thay mặt cho các bạn sinh viên, em Nguyễn Thị Nguyễn Ánh (Sư phạm Lịch Sử K43) cảm ơn lãnh đạo, anh chị em trung tâm đã hướng dẫn, giải đáp và tạo điều kiện cho các em được tham quan, học tập tại Trung tâm. Qua chuyến tham quan rất bổ ích, thú vị, cho chúng em biết được nhiều điều hơn và giúp chúng em yêu ngành mình học hơn.
Ban Truyền thông (Trung tâm Lưu trữ lịch sử)