1. Dẫn nhập
Cũng như bao vùng đất khác, vùng đất Bình Định và Tuy Phước được hình thành cùng với chiều dài lịch sử của những cuộc vạn lý trường chinh mở cõi về phương Nam của tiền nhân. Theo Đại Nam nhất thống chí, tháng 3 năm 1471, sau khi hạ thành Đồ Bàn, Lê Thánh Tông sát nhập vùng đất mới thu phục được vào đạo Quảng Nam thông qua việc thiết lập phủ Hoài Nhơn, gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Trước khi người Việt đến lưu trú tại vùng đất này, cư dân bản địa Chăm đã kiến tạo nên một vùng văn hóa đặc sắc mà hệ thống di tích hiện tồn là những minh chứng cụ thể nhất. Theo nhóm tác giả công trình Tuy Phước – Lịch sử và văn hóa: “Hiện nay trên địa bàn huyện Tuy Phước tồn tại khá nhiều các di tích của vương quốc Chămpa, trong đó điển hình là di tích thành Thị Nại, tháp Bình Lâm cụm tháp Bánh Ít. Các di tích này vừa là bằng chứng, phản ánh nhiều sự kiện lịch sử vừa chứa đựng giá trị lịch sử – văn hóa. Bên cạnh đó, Tuy Phước còn lưu lại các vết tích Chămpa cổ như phế tích Long Triều, Chày Cây, Khánh Vân…”[1]
Sau lớp người Chăm, lớp người di cư đến vùng đất này sớm nhất là người Việt. Họ sinh sống ở vùng đất này bắt đầu từ cuối thế kỉ thứ XV, gắn với sự kiện vùng Đồ Bàn được sáp nhập vào Đại Việt. Theo Nguyễn Thị Anh Trâm, “cư dân Việt thời kì này đóng ở các vùng đồng bằng ven biển, họ vừa trồng lúa, vừa đi biển. Đến cuối thế kỉ XVI, XVII, dòng người Việt di cư vào Thuận Quảng càng ồ ạt và trở thành cộng đồng thống nhất”[2]. Cùng với sự hình thành và kiến tạo nên các cộng đồng dân cư, cùng với xu thế mở rộng và phát triển của các thương cảng thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, người Hoa đã đến và thiết lập các bang hội ở Bình Định và Tuy Phước từ cuối thế kỉ XVI mà hệ thống kiến trúc chùa bà, chùa ông, hội quán và di chỉ người Hoa ở vùng Nước Mặn là minh chứng xác thực. Trên tinh thần hòa hợp, cùng chung một mục tiêu giao thương buôn bán, người Hoa đã đến ngày càng nhiều hơn và hình thành nên một cộng đồng khá lớn ở Nam Trung bộ. Bắt đầu từ khu vực thương cảng Hải phố/Hoài phố (tức Hội An, Quảng Nam), Thu Xà (Quảng Ngãi), Nước Mặn (Bình Định),… dần dần cùng với sự phát triển của lịch sử, người Hoa đã có mặt ở nhiều địa bàn khác thuộc các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Trong quá trình sinh sống ở đây, người Hoa ít nhiều đã giữ một vai trò nhất định trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa ở khu vực Nam Trung bộ, trong đó có Bình Định và Tuy Phước.
Từ hướng tiếp cận giao lưu và tiếp biến văn hóa, đối với hệ thống di sản của tiền nhân, chúng ta có nhiều hướng tiếp cận và nhận định khác nhau. Nhất là các di tích được hình thành qua quá trình đan xen và giao văn hóa giữa cư dân bản địa với các luồng di cư mới kể từ sau 1471 ở Bình Định và Tuy Phước. Một trong những di tích quan trọng tiêu biểu đó là Chùa Bà Nước Mặn tọa lạc tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định. Có thể nói, sự hỗn dung văn hoá bản địa của người Chăm, văn hoá du nhập của người Hoa và văn hóa truyền thống của người Việt đã tạo nên sự các lớp trầm tích văn hóa đặc sắc. Đó cũng chính là sự hòa quyện và thích nghi văn hóa trong bối cảnh mới của các thế hệ cư dân ở vùng đất này.
2. Hành trình từ miếu Thiên hậu đến Chùa bà Nước Mặn
2.1. Tục thờ nữ thần ở Nam Trung bộ – sự gặp gỡ giữa “ngã ba đường văn hóa” Chăm, Việt và Hoa
Tục thờ nữ thần là một thiết chế văn hóa mà chúng ta đều bắt gặp trong văn hóa Chăm, Việt và Hoa. Đối với người Chăm, tục thờ bà mẹ xứ sở là một tín ngưỡng quan trọng. Nữ thần Thiên Y A Na 天依阿那là một danh xưng đã được Hán hóa và điển chế trong các sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam


Nữ thần Thiên Y Ana có nguồn gốc từ nữ thần xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm. Hình tượng Pô Inư Nagar bắt nguồn từ Devi – biểu tượng âm tính cho sức mạnh sáng tạo và hủy diệt của vũ trụ, một trong những nữ thần tối thượng trong thần điện Hindu giáo. Tuy nhiên do những căn nguyên lịch sử, trước thế kỉ XVI, nữ thần Pô Inư Nagar được thờ phụng ở thánh địa Pô Nagar Nha Trang (Khánh Hòa). Nhưng đến giữa thế kỷ XVI, người Chăm đã chuyển nữ thần của mình về thờ ở đền Pô Inư Nagar tại thôn Hữu Đức (Ninh Thuận), còn thánh địa Pô Nagar trở thành nơi thờ phụng mẫu thần của người Việt ở Nam Trung Bộ – thánh mẫu Thiên Y Ana.
Như vậy, trong ý thức của cư dân vùng đất này, chúng ta có thể nhận thấy tín ngưỡng thờ nữ thần Chăm – Pô Inư Nagar đã dần được dịch chuyển và mang yếu tố Việt hóa thông qua sự công nhận và ban sắc của chính quyển phong kiến thời bấy giờ. Nguyên nhân của hiện trạng này có thể cắt nghĩa từ nhiều phương diện khác nhau, song biểu hiện này là sự hợp nhất của của ý thức thiên tính nữ và nguyên lý thờ mẹ trong văn hóa của hai dân tộc Việt – Chăm. Có lẽ, đây là điều kiện tiên quyết góp phần hình thành nên những thiết chế thờ tự các vị nữ thần của cộng đồng Việt – Chăm trong tiến trình cộng cư và chuyển hóa ý thức văn hóa.
Từ đầu thế kỉ XVII trở về sau, khi các lưu dân người Hoa đã di cư đến đây và tự nguyện tham gia vào cộng đồng, trở thành một phần cư dân của quê hương Bình Đinh. Sự hình thành các làng Minh hương ở Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước (Bình Định) và sự xuyên thấm tín ngưỡng thờ mẫu, tôn trọng nguyên lý mẹ của các nhóm cộng đồng trên cùng một vùng đất đã góp phần thúc đẩy ý thức tín ngưỡng thờ nữ thần của cư dân vùng Bình Định, Tuy Phước thêm phong phú và đa dạng. Đây có lẽ là cơ sở chính trị, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng quan trọng góp phần thúc đẩy sự hình thành một thiết chế văn hóa tín ngưỡng mới – tục thờ thờ Thiên hậu của người Hoa được cộng đồng bản địa chấp nhận và đi đến kính ngưỡng mà Chùa bà Nước Mặn là một di tích quan trọng, xác thực.
2.2. Miếu Thiên hậu, thiết chế văn hóa tín ngưỡng của người Hoa di cư
Thiên Hậu Thánh Mẫu 天后聖母là một nữ thần được người Hoa mang theo trong hành trình di dân từ Trung Hoa đến Việt Nam từ thế XVI đến thế kỷ XIX. Tục thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu vì thế xuất hiện ở những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống. Có thể nói, trên dải đất Nam Trung bộ và Nam bộ, nơi đâu có cộng đồng người Hoa thì nơi ấy có miếu thờ Thiên hậu. Tại Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước (Bình Định), chúng có thể nhận thấy sự đồng hiện của hai ngôi miếu cổ quan trọng của người Hoa. Đó là miếu Quan thánh đế quân (tục gọi chùa Ông) và miếu Thiên hậu (tục gọi chùa Bà). Tuy nhiên, hai ngôi miếu này không được ghi nhận trong Đại Nam nhất thống chí (phần tỉnh Bình Định).
Theo tư liệu lịch sử địa phương, vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, nhiều người Hoa di cư đến Nước Mặn. Họ không những lập nên phố xá buôn bán sầm uất mà còn mang theo tín ngưỡng của mình, điển hình là thờ Quan Thánh và Thiên Hậu. Chùa Bà được dựng lên vào giai đoạn này. Di tích này hiện này tọa lạc tại tại thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Theo chính quyền địa phương, ngôi chùa này thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, một nhân vật thần thoại thường cứu vớt tàu thuyền mắc nạn trên biển.
Ngôi chùa này cũng có một lịch trình thăng trầm gắn liền với sự biển chuyển của khu vực Cảng thị Nước Mặn. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào cảng thị Nước Mặn, cảng thị này suy tàn. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân, người có nhiều năm tìm hiểu về vùng cảng thị Nước Mặn đã nhận định: “Kể từ khi cảng thị Nước Mặn bước vào thời phồn vinh, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến dong thuyền sang xin chúa Nguyễn nhập cư mở phố buôn bán cùng người Việt, lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) ở thôn An Hòa để thờ cúng” [3].
Có thể nhận thấy, sựu hình thành miếu Thiên hậu trên đại bàn của huyện Tuy Phước là một trong những hệ quả văn hóa của quá trình giao lưu và định cư của người Hoa ở khu vực này. Từ đầu thế kỉ XVII cho đến nay, miếu Thiên hậu đã trở thành một địa chỉ tâm linh của cộng đồng Việt – Hoa ở đây. Từ đó, theo thói quen, người Việt gọi các nơi thờ tự lớn, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng là Chùa. Danh xưng Chùa Bà Nước Mặn đã được định hình và tồn tại cho đến ngày nay.

04 chữ Hán trên diềm mái Thiên cung thánh mẫu 天宮聖母
Về kiến trúc, Chùa Bà được xây dựng theo lối kiến kiến trúc hình chữ Nhất. Mặt trước của Chùa quay mặt về hướng Nam, bên cạnh sông Cầu Ngói, một chi nhánh của sông Cây Đa. Lối kiến trúc này thể hiện quan niệm sùng thượng các bậc thánh của người Hoa. Cũng như các lâu đài, miếu vũ của vua chúa, chùa Bà Nước Mặn cũng được lấy án tiền về hướng Nam. Đúng theo tinh thần văn hóa đã được ghi nhận trong bộ kinh Dịch, “thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (Bậc thánh nhân quay mặt về hướng Nam mà nghe thiên hạ). Án tiền của chùa có một hồ nhỏ làm minh đường, sau hồ là bức bình phong Long mã và hai trụ biểu rất đẹp. Long mã là một linh vật trong văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Sự xuất hiện của long mã báo hiệu những điềm tốt lành, là nơi ngự trị của bậc thánh đế, minh quân. Long là loài vật có thể tự do bay lượn trên trời cũng như dưới nước, biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Tượng trưng về không gian là trục tung. Còn mã là ngựa, không thuộc linh vật. Nhưng đây là loài vật gần gũi, đặc biệt với sự di chuyển ngang trên mặt đất rất nhanh nhẹn trên và sức chịu đựng bền bỉ. Tượng trưng cho thời gian là trục hoành. Do đó, Long mã là vật một linh vật linh thiêng, tượng trưng cho sự uy nghi, tung hoành. Trong nghệ thuật trang trí, hình ảnh long mã luôn gắn liền ước vọng về một thế giới an lạc và thịnh vượng.

Mặt trong trang trí hình chim phượng (một trong tứ linh), đây là điểm nhấn quan trọng gắn liền với vị chủ tể của ngôi miếu là một nữ thần. Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc vùng Hoa Nam, mái cong hình thuyền, đỉnh trang trí hình lưỡng long triều nguyệt, 02 đầu đốc trang trí hình chim phượng, diềm mái trang trí hoa văn theo lối ghép mảnh men sứ các loại. Chánh điện của Chùa Bà được thiết kế 3 gian. Gian giữa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng ngài được chế tác bằng bằng gỗ sơn son thếp vàng, tạc trong tư thế ngồi, mặc triều phục, chân đi hài mũi cong, khuôn mặt bầu, phúc hậu, trầm tư. Hai bên trái phải của tôn tượng thị giả là Thiên Nhĩ và Thiên Nhãn, dưới gầm bàn thờ bày 2 tượng thần Hổ được thiết kế trong hai tư thế khác nhau. Phía trên gian chính là bức hoành phi đề 4 chữ Hộ quốc tý dân護國庇民 (bảo vệ cho nước, che chở cho dân) do triều Nguyễn ban tặng. Bên trái là ban thờ thần Thành Hoàng 城隍của làng. Thần mặt đỏ, mặc áo dài đỏ, đầu đội mũ vuông kết dải buông thõng, ngồi tư thế hai tay chắp trước bụng, chân đi giày mũi cong. Phía trước Thần là bàn thờ bày Tam sự, hai bên bày tượng hai vị Thần hộ pháp (Thần gác cửa). Dân gian ở đây gọi 2 vị thần: Tả Du và Hữu Du. Bên trên, treo bức hoành phi đề chữ Phúc ấm trùng quang 福蔭重光 (phúc ấm còn sáng mãi). Bên phải là ban thờ bà Thai Sanh Thánh Mẫu 胎生聖母. Tôn tượng được tạc bằng gỗ trong tư thế ngồi, chân mang hài mũi cong được sơn son thếp vàng. Ngài mặc triều phục màu vàng, hai tay co, bàn tay nắm tự nhiên, một tay cầm cuộn vải phán, một tay cầm cây bút lông. Hai bên bà bày 02 tượng Ngựa sơn đỏ. Phía trước là bàn thờ 12 Bà Mụ trong tư thế bồng con. Dưới chân bày bàn thờ để các chúng sinh đến cúng lễ bái cầu con tại bàn thờ này. Bên trên treo bức hoành phi đề 3 chữ Tư sanh đức 資生德 (lấy ý từ quẻ Khôn trong kinh Dịch).

Nếu không tính Nghĩa tự 義祀xây mới ở phía sau cùng, bên trong thờ những người có công đóng góp xây dựng chùa thì từ ngoài sân phía bên phải vào là Thanh Minh miếu, tiếp đến là một giếng nước vẫn còn được sử dụng. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong những giếng cổ Chăm còn lại ở khu vực này. Nó là một minh chứng rất cụ thể cho quá trình cộng cư của các tộc người trên vùng đất này. Dọc vùng Nám Trung bộ, lớp cư dân đầu tiên là những người Chăm thạo nghề đi biển, biết thiết kế các cảng thị thông thương và giỏi các định các mạch nước để đào giếng, cung cấp nước ngọt cho các tàu thuyền ra vào các thương cảng. Giếng vuông Chăm ở khu vực Chùa Bà Nước Mặn cũng là một trong những giếng Chăm có chức năng nhứ ở khu vực cảng thị Nước Mặn trước đây.

Với phương thức bài trí đậm phong cách của vùng Hoa Nam có xen kẽ với thiết chế thờ thần Thành Hoàng bổn xứ của làng, ngôi chùa đã trở thành một địa chỉ tâm linh thân thiết của người dân. Ngoài việc che chở cho nhân dân xung quanh, ngôi chùa này còn là nơi cầu tự của những cặp vợ chồng hiếm muộn ở trong vùng và các khu vực lân cận. Chùa Bà gắn với sự phồn vinh một thời của cảng thị Nước Mặn ở tỉnh Bình Định trong suốt gần 4 thế kỷ, từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. Chùa bà được UBND tỉnh Bình Định công nhận và xếp hạng di tích vào ngày 20 tháng 7 năm 2010. Có thể nói, sau những biến thiên lịch sử, đặc biệt là sau hai cuộc kháng chiến vệ quốc, nhiều di tích còn lại của cảng thị bị xóa sạch. Chính quyền địa phương tu bổ lại Chùa Bà – miếu thờ Thiên Hậu duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị cho đến ngày nay.
2.3. Lễ hội đô thị Nước Mặn ở Chùa Bà, sự dung hòa của văn hóa Hoa – Việt – Chăm
Theo sử sách ghi lại, cách đây hơn 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn thịnh. Với hơn 04 thế kỉ năm tồn tại, di tích chùa Bà là công trình kiến trúc thuộc loại cổ xưa nhất ở tỉnh Bình Định. Đặc biệt, di tích này đã gắn liền với lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức hàng năm vào ngày cuối tháng Giêng âm lịch. Lễ hội này kéo dài trong 3 ngày có vị trí quan trọng về tâm linh và trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Lễ hội đô thị Nước Mặn được tổ chức từ ngày mồng 012 đến mùng 03 tháng 02 Âm lịch. Đây là một hoạt động nhằm tái hiện những thời đoạn phồn vinh xa xưa của cảng thị Nước Mặn, sự đoàn kết thống nhất của các cộng đồng dân cư Việt, Hoa và Chăm. Đúng như các tác giả công trình Tuy Phước – Lịch sử và văn hóa đã đánh giá: “Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kì phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt – Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả – Phú Yên), và cứ như thế duy trì phát triển, thăng trầm theo nhịp sống của cảng thị này. Dấu ấn phồng vinh một thời vẫn còn vang vọng”[4] .
Điều cần lưu ý rằng, lễ hội Nước Mặn ở chùa Bà không phải là một chương trình nhằm kỉ niệm bà Thiên Hậu (vía bà là ngày 23 tháng 3 Âm lịch). Đây là lễ hội kỉ niệm cho một thời phồn thịnh từ có ở mảnh đất này, nhớ xưa để tôn vinh ngày nay. Cầu mong cho hiện tại được ấm no, sung túc. Ngoài ra, chùa Bà còn được gọi là Chùa Bà Thiên Mụ天姥, là nơi cầu tự của cộng đồng người Việt khắp nơi. Điều này cho thấy, quá trình Việt hóa đã diễn ra cao độ ở di tích văn hóa này.
Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà là một trong những ứng xử văn hóa khéo léo của các cộng đồng dân cư ở đây. Sự hình thành, duy trì và bảo tồn di tích chùa Bà và đô thị Nước Mặn đã minh chứng cho quá trình dung hợp văn hóa giữa các cộng đồng dân cư ở cảng thị Nước Mặn xưa (người Chăm, người Việt và người Hoa). Cho đến ngày nay, mặc dầu “thương hải biến vi tang điền”, nước biển xưa đã rút cạn, thương cảng xưa đã trở thành một vùng quê yên tĩnh, trù phú. Nhưng di tích chùa Bà vẫn là điểm tham quan kỳ thú của du lịch Bình Định, lễ hội Đô thị Nước Mặn vẫn tồn tại trong ý thức của người dân Bình Định nói chung và huyện Tuy Phước nói riêng như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định. Đúng như Cristoforo Borri trong Xứ Đàng Trong đã miêu tả: “Tới ngày chợ phiên, tàu thuyền đến đậu kín cả bến, các thớt voi chở lâm sản từ miền thượng về, ngựa thồ hàng từ các thị trấn, thị tứ trong vùng cũng tới tấp nập. Người trong nước, người nước ngoài đủ màu da, nhiều tiếng nói, đi lại nhộn nhịp trên đường phố”[4].
3. Kết luận
Trên nền cũ của một vùng đất Chăm, bên bờ thương Cảng Chăm, vốn là miếu Thiên Hậu, công trình kiến trúc này phản ánh thiết chế tín ngưỡng thờ nữ thần của người Hoa, Việt. Điều ấy cho thấy, sự hình thành và tồn tại của Chùa bà Nước Mặn vừa là hệ quả của một quá trình tương tác văn hóa của các thế hệ cư dân Chăm, Việt và Hoa ở vùng Tuy Phước, Bình Định, vừa là một chứng nhân gắn liền với sự thịnh suy của thương cảng Nước Mặn.
Lễ hội Chùa Bà Cảng Thị Nước Mặn vừa được Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày đầu tiên của mùa lễ hội năm 2023. Trong lễ hội, tế thần chính là nghi thức tín ngưỡng, sau đó mới đến phần hội để phô diễn những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tâm linh Nước Mặn xưa. Cùng với sự kết hợp với lễ hội Cảng thị Nước Mặn, việc ghi nhận và phát triển các hoạt động tín ngưỡng ở Chùa Bà và tôn vinh các vị thần được sùng bái trong ý thức tâm linh của công đồng Việt – Chăm – Hoa sẽ tạo nên điểm nhấn quan trọng cho sự khu biệt văn hóa của khu vực này với những địa phương khác, thể hiện sự giao lưu văn hóa lâu đời và có sức lan tỏa mạnh trong cộng động hiện nay. Nếu tiếp cận và đánh giá ở phương diện này, chúng tôi cho rằng, di tích Chùa Bà Nước Mặn ở Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định hiện nay không chỉ là điểm đến du lịch về với miền di sản mang dấu ấn văn hóa, lịch sử, tâm linh độc đáo hấp dẫn mọi du khách mà còn là sự tiếp quản tinh hoa của tiên nhân, thúc đẩy lễ hội, di tích Chà Bà trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch của khu vực trong thời gian tới.
Bình Định, tháng 07 năm 2023
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Tài liệu tiếng Việt
1. Borri, C (2019), Xứ Đàng Trong (Thanh Thư dịch), Nxb: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Hòa, Đ.B (2012), Văn hóa – xã hội Bình Định, Nxb: VHTT, Hà Nội.
3. Lý, P.T.H (2018), Tín ngưỡng thờ Thiên hậu ở Việt Nam, Nxb: Hội Nhà văn, Hà Nội.
4. Liên, Đ.V (2008), Bình Định – Đất võ trời văn, Nxb: Trẻ, Tp. HCM.
5. Nhân, N.X (2010), Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền, Nxb: KHXH, Hà Nội.
6. Quốc Sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam nhất thống chí – Tỉnh Bình Định (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Nxb: Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn.
7. Tấn, Q (1967), Nước non Bình Định, Nxb: Nam Cường, Sài Gòn.
8. Tuấn, T.Q, Hiển, L.T (chủ biên) (2015), Tuy Phước – Lịch sử và văn hóa, Nxb: Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
9. Trâm, N.T.A (2019), Tục thờ Thiên hậu thánh mẫu của người Hoa ở Đà Nẵng, Nxb: Hội Nhà văn, Hà Nội.
10. Phương, T. K (2019), Góp phần nghiên cứu văn minh và nghệ thuật của vương quốc cổ Champa tại miền Trung Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
B. Tài liệu Hán văn
11. 宋杰勤 (2016), 越南华侨史, 广东高等教育出版。
12. 勅封天后志。
Võ Minh Hải[5], Nguyễn Văn Hòa[6]
[1] Tuấn, T.Q & Hiển, L.T (chủ biên) (2015). Tuy Phước – Lịch sử và văn hóa, Nxb: Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.31
[2] Trâm, N.T. A (2019). Tục thờ Thiên hậu thánh mẫu của người Hoa ở Đà Nẵng, Nxb: Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.31.
[3] Nhân, N.X (2010). Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền, Nxb: KHXH, Hà Nội, tr.60 – 61.
[4] Tuấn, T.Q & Hiển, L.T chủ biên) (2015). Tuy Phước – Lịch sử và văn hóa, Nxb: Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.561.
[5] TS, Giám đốc TT Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Quy Nhơn
[6] ThS, Giảng viên thỉnh giảng khoa KHXH & NV, Trường Đại học Quy Nhơn