“Người hát rong của thời đại” – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cùng với họa sĩ Lê Thiết Cương có chuyến ghé thăm bất ngờ tại Trung tâm Lưu trữ tịch sử tỉnh Bình Định.

Đến Quy Nhơn vào những ngày cuối của tháng 5 với tiết trời oi ả, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã có chuyến ghé thăm bất ngờ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định với mục đích tiếp cận các tư liệu, tài liệu được trưng bày với chuyên đề “Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định”.  Đi cùng nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha còn có họa sĩ Lê Thiết Cương, một cái tên không xa lạ trong giới hội họa và thường được nhắc đến với 2 từ “nghệ sĩ” bởi cách sống rất “nghệ”, mà hội họa chẳng bao giờ là ham thích duy nhất của anh. Có lẽ chính vì thế mà anh dần càng “dấn sâu” vào viết lách, hết truyện ngắn sang viết báo, lại đến làm kịch bản phim,…

Được biết đến là tác giả của ca khúc “Quy Nhơn – thành phố thi ca”, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã trở nên thân thuộc với đất và người Quy Nhơn – Bình Định.  Không rõ đây là lần thứ bao nhiêu ông đặt chân đến mảnh đất này, nhưng có lẽ đối với ông, mỗi một lần ghé thăm Quy Nhơn là một lần để ông có thể thốt lên “Quy Nhơn đã thấm vào tôi như thể tôi đã biết đớn đau trong da thịt”. Có lẽ chính vì thế mà người dân Quy Nhơn đối với ông như cái cách mà họ đón nhận “Quy Nhơn – thành phố thi ca” vậy.

Tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cùng họa sĩ Lê Thiết Cương được được giới thiệu tổng quan về khu trưng bày tài liệu lưu trữ “Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định”, với hàng trăm tư liệu, tài liệu, hình ảnh, thể hiện các chủ đề chính: Vai trò chữ Quốc ngữ tại Việt Nam; Bình Định trong dòng phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ; Quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ tại Bình Định; Phát huy giá trị di sản văn hóa hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định.

 

Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương tham quan phòng trưng bày chuyên đề “Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định”.

Ngoài ra, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh cũng giới thiệu không gian trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tư liệu trực quan tài liệu lưu trữ qua các thời kỳ được trưng bày tại Phòng trưng bày, triển lãm của Trung tâm; trải nghiệm thực tế trên không gian ảo 3D của triển lãm trực tuyến “Bình Định theo dòng lịch sử”. Đặc biệt, hai vị khách quý rất ấn tượng với không gian đọc tại phòng đọc của Trung tâm với hàng nghìn đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực (văn học, văn hóa, lịch sử, chính trị, kinh tế…) để phục vụ bạn đọc.

Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương chụp ảnh lưu niệm cùng ông Lâm Trường Định – Giám đốc Trung tâm.

Được biết, cùng với họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã từng có chuyến khảo sát khu vực Nước Mặn, tiểu Chủng viện Làng Sông với mục đích chuẩn bị thực hiện một cuốn sách về cái nôi chữ Quốc ngữ và xúc động viết nên những vần thơ:

                             Đêm Quy Nhơn bổi hổi

                            Nước Mặn và Làng Sông

                            Chữ Việt bao trôi nổi

                          Quy tụ vào Quy Nhơn

                                                                (Đêm Quy Nhơn – Nguyễn Thụy Kha)

Kết thúc buổi tham quan là cuộc trò chuyện thân mật và có phần chớp nhoáng giữa hai vị khách quý với ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Cũng nhân buổi ghé thăm, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã ngỏ ý trao tặng Trung tâm hơn mười đầu sách là những sáng tác của ông. Có thể nói đây là một trong những niềm vinh hạnh không chỉ của Trung tâm mà cả độc giả của Trung tâm.  Hy vọng, trong thời gian đến, Quy Nhơn sẽ lại được đón nhận thêm những sáng tác mới của ông về mảnh đất thân yêu này.

(Nguyễn Quý)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Scroll to Top