Nhân dịp Lễ húy kỵ lần thứ 389 Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ (1634-2023) do Di tích Lịch sử Đền thờ Đào Duy Từ (Thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tổ chức theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình Triều Nguyễn với các hoạt động như Lễ rước, đón kiệu Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, biểu diễn Lân-Sư-Rồng, Lễ Chánh kỵ vào ngày 17 tháng 10 năm Quý Mão (Ngày 29.11.2023)…

Hiện tại Phòng trưng bày (Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh) có đạo sắc phong (bản sao) của vua Minh Mệnh cho Đào Duy Từ. Đạo sắc đề ngày 17 tháng 11 năm Minh Mệnh 12 (1831), viết theo thể biền ngẫu, có giá trị văn chương. Chữ viết chân phương xương kính, đẹp và dễ đọc. Đạo sắc phong bằng gấm vàng xung quanh có thêu hình rồng mây và trái châu bằng chỉ năm màu. Đạo sắc rộng khoảng 0m60, dài 1m80, phân làm hai mươi hàng, mỗi hàng viết từ 1-17 chữ bằng mực tàu, mỗi chữ cỡ 3cmx3cm. Giữa hàng niên đại có đóng ấn son khắc 4 chữ “Sắc mệnh chi bảo, cỡ ấn 12cmx12cm.

Đạo sắc phong Minh Mệnh thứ 12 (1831) tặng Đào Duy Từ đặc cách tiến hàm Vinh lộc Đại phu, Đông các Đại học sĩ, chức Thái sư, cho lại tên thụy như cũ Trung Lương, tước phong Hoằng Quốc công
Đạo sắc phong Minh Mệnh thứ 12 (1831) tặng Đào Duy Từ đặc cách tiến hàm Vinh lộc Đại phu, Đông các Đại học sĩ, chức Thái sư, cho lại tên thụy như cũ Trung Lương, tước phong Hoằng Quốc công

Lộc Xuyên Đặng Quý Địch (Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định) đã dịch nghĩa sắc phong:
Vâng mệnh trời hưng vận nước
Hoàng đế ban chế rằng:
Trẫm nghĩ:
Bề tôi chịu nhiều lao khổ lập được công to, thì sự nghiệp truyền đời, tên tuổi lưu nơi sử sách;
Nhà vua tìm xét công lao thuở trước mà ban ơn lớn để biểu dương và cho thọ lãnh lâu dài.
Nay gặp giờ lành
Ban cho đạo sắc thơm tho này.
Nhìn lại:
Nguyên Đào Duy Từ, tên thụy Trung Lương, là công thần Hiệp mưu Đồng đức, đặc cách tiến hàm Vinh lộc Đại phu, mang đẫy gấm tía gắn phù hiệu bằng vàng, chức Nội tán, tước Lộc Khê hầu, sau khi mất được tặng Phúc thần với mỹ hiệu Phù vận Tán trị Tôn thần:
Là bậc hào kiệt xuất hiện ở châu Thang
Là viên ngọc tinh anh làm tiêu biểu cho núi Ngọc
Từ vào Nam bái yết tiên chúa, hiến mưu mô, trổ tài lớn phò vua giúp nước như người trong bài phú Long cương đã tả.
Tính toán đúng với các điều trình bày với triều đình Lê Trịnh ở phía Bắc, bí mất truyền mưa lược quân sự rất kỳ diệu.
Đãy gẫm chứa sẵn mười điều rất trúng cơ nghi,
Dâng một điều xin đắp lũy dài khiến biên giới phía Bắc càng vững bền dài lâu.
Nhận sự ủy thác nặng nề của chúa là sửa sang việc quân việc nước, trải qua tám năm bàn mưu kế nơi màn trướng.
Trở thành bề tôi có công lớn đệ nhất của nước nhà mà tên tuổi và công trạng đã chép trong thư son, chạm vào khoán sắt từ hai trăm năm trước.
Sự nghiệp truyền đến ngày này
Lại được thọ ơn lớn của vua lần nữa.
Xét cái nghĩa làm tôi thuở rồng mây gặp hội còn kể trong chuyển cũ mà yên ủi lần nữa cho thấm thêm ơn vua của đời thịnh;
Chiếu điều lệ báo đáp công đức ghi rõ trong điển chương pháp lệnh của nhà nước mà cho thọ ơn mưa móc thấm ướt đầm đìa.
Nay đặc biệt tặng làm công thần mở nước, đặc cách tiến hàm vinh lộc Đại phu, Đông các Đại học sĩ, chức Thái sư, cho lại tên thụy như cũ Trung Lương, tước phong Hoằng Quốc công. Ban cho đạo sắc này để cáo cho biết.
Hỡi ôi!
Đạo sắc vua ban ơn lóng lánh ánh ngọc dùng chiếu sáng cõi âm.
Chánh khí rạng rỡ khiến ơn vua phong thêm vẻ vang như được mặc áo lễ thêu hoa của vua.
Ở cõi âm mờ mịt xa xăm kia như có biết thì hãy kính cẩn thọ lãnh không bao giờ biết chán.
Niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (ngày 7 tháng 11 năm 1831)

Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tham quan tại Phòng trưng bày (Trung tâm Lưu trử lịch sử tỉnh)
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tham quan tại Phòng trưng bày (Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh)

Cũng theo Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định, Lộc Xuyên Đặng Quý Địch: Đào Duy Từ người huyện Ngọc Sơn (Thánh Hóa), là con của kép hát Đào Tá Hán. Thuở bé đã thông minh khôn ngoan. Lớn lên thông minh kinh sử, tinh rành cái học sấm vỹ, tinh tượng và thuật số. Dự thị Hương của nhà Lê (mở tại Thanh Hóa), quan chấm thi cho là con nhà ca xướng nên đuổi về, Từ bèn quyết ý vào Nam. Ông đến thôn Tùng Châu huyện Bồng Sơn vào nhà phú ông làm kẻ chăn trâu. Ông thường ngâm khúc ca “Ngọa Long cương” do ông làm để bày tỏ chí hướng. Quan Khám lý phủ Qui Nhơn là Trần Đức Hòa nghe được khúc ngâm này cho lạ, bèn gọi đến nhà ở, đem con gái gả cho, rồi tiến cử lên triều đình.

Ông được làm Nội tán tham mưu, được vào trong phủ chúa bàn bạc việc nước. Ông đắp lũy Trường Dục, lại xây Lũy Thầy, là bức thành kiên cố che chắn cho miền Nam. Làm quan trải đến tước Lộc khê hầu. Ông tài kiêm văn võ làm việc nước giúp vua được 8 năm, trở thành vị công thần đứng đầu hàng công thần mở nước. Người đời thường đem ông so sanh với Tử Phòng Trương Lương (giúp Lưu Bang lập ra nhà Hán), với Khổng Minh Gia Cát Lượng (giúp Lưu Bị lập nhà Thục Hán)…

Theo sử và truyện dẫn thì sau khi ông Đào Duy Từ mất (1634), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên phong tặng ban cấp cho ông rất hậu, cho đưa linh cữu về Tùng Châu mai táng. Mộ ông hiện còn tại thôn Tấn Thạnh (xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn). Mộ được xây gạch, đá với hồ ô dước từ năm 1836, do tỉnh thần Bình Định thực hiện theo lênh vua Minh Mệnh. Chúa Sãi còn ra lệnh xuất của nhà nước mà lập đền thờ ông tại thôn Cự Tài. Đến đời Minh Mệnh đền được trùng tu và được ban biển sắc tứ: Đào Quốc Công Từ. Từ đường họ Đào Duy tại thôn Tài Lương (xã Hoài Thanh), trên cổng vào có 4 chữ QUỐC CÔNG TỪ MÔN (làm đời Tự Đức), trong từ đường có câu liễn:
Từ vũ tịnh Xưởng giang sinh sắc
Tự điển giai Điện lĩnh trường tồn
(Đền thờ cùng sông Xưởng mà sinh sắc,
Điển lễ thờ phụng cùng với hòn Đền còn lâu dài.)

Sông Xưởng trước mặt từ đường. Hòn Đền ở trước mặt đền Cự Tài, nơi xưa kia ông Đào Duy Từ từng thả trâu.

Ông Đào Duy Từ được người đời tôn làm tổ hát Bội, bổn tuồng San hậu, được mệnh danh là “tuồng thầy”, có từ bao giờ không biết được, chỉ biết Lê Văn Duyệt lúc làm tổng trấn Gia Định thành, thì tuồng thường được công diễn.

Trong ‘Công nghiệp Diễn chí” (1719) của Nguyễn Khoa Chiêm còn cho biết rõ hơn, kể rằng lúc Đào Duy Từ đi tìm minh chúa, phiêu bạt tới Bồng Sơn thì “Nãi tạm hiết vu thái điểm, lăng tụng gian thoại dĩ sinh nhai” (Dịch: Bèn ở tạm hàng cơm, hát tràn các điệu hát của dân gian, lấy đó nuôi thân.)

Theo gia phả “Đào tộc phổ hệ”: Ông thủy tổ làm quan Nội tán, tước Lộc Khê hầu, tên thụy vua ban sau khi chết là Trung Lương, được tặng chức Thái sư, tước Hoằng Quốc công, họ tên kiêng cữ là Đào Duy Từ. Bà thủy tổ họ Cao Thị Nguyên, tên thụy vua ban là Trinh Liệt, phẩm Phu nhân. Con trai là Đào Duy Huệ, tước Dũ Lĩnh hầu. Con gái là Đào Thị Hưng, gả cho Nguyễn Hữu Tiến, chức Tiết chế, tước Quận công, triều Nguyễn truy tặng tước Anh Quốc công, vua ban tên thụy là Bao Vũ.

Qua sắc phong cho thấy công lao của Đào Duy Từ lúc vào Nam bái yết các Chúa Nguyễn, hiến mưu mô, trổ tài lớn phò vua giúp nước. Mưa lược quân sự rất kỳ diệu, dâng một điều xin đắp lũy dài khiến biên giới phía Bắc càng vững bền dài lâu. Trở thành bề tôi có công lớn đệ nhất của nước nhà mà tên tuổi và công trạng đã chép trong thư son, chạm vào khoán sắt từ hai trăm năm trước. Năm Gia Long thứ 4 (1805), được liệt vào Công thần thượng đẳng, được thờ theo ở Thái Miếu, được cấp 45 mẫu làm tự điền và cắt cử 2 phu coi mộ. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), vua tặng ông tước Hoằng Quốc Công chức Thái sư.

Ban Truyền thông (Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Scroll to Top