Chiều ngày 03/01/2024, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Số 12 Mai Hắc Đế, TP. Quy Nhơn) đã tổ chức Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống Ngành Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 – 03/01/2024). Đến dự kỷ niệm có ông Trịnh Xuân Long, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Bà Bùi Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch công đoàn cơ sở Sở Nội vụ cùng lãnh đạo các phòng, ban và đơn vị Sở Nội vụ; Nguyên lãnh đạo Trung tâm qua các thời kỳ và công chức, viên chức, người lao động Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh.

Tại buổi tọa đàm Kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Lưu trữ, các đại biểu đã đã ôn lại truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam, đúng vào ngày này cách đây 78năm, ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 01C/VP gửi các ông Bộ trưởng, khẳng định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia và cấm không được tiêu hủy công văn, tài liệu nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ.

Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Minh Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đọc Thư chúc mừng của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Lưu trữ Việt Nam và các tham luận: Quản lý tài liệu điện tử-thực trạng và giải pháp (Nguyễn Thành Tín, Phó Trưởng phòng Quản lý văn thư, lưu trữ trình bày); Các tác nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp của tài liệu quý, hiếm và những giải pháp hạn chế (Lê Thành Phi, Trung tâm Lưu trữ lịch sử trình bày); Công tác thu thập, nâng cấp, xử lý tài liệu trước khi số hóa và tu bổ, bồi nền tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Nguyễn Thị Hoa Đào, Trung tâm Lưu trữ lịch sử trình bày) và tham luận “Ứng dụng công nghệ thông tin số hóa tài liệu phục vụ độc giả hướng tới mục tiêu Chuyển đổi số kết hợp đổi mới phương thức phát huy giá trị tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh (Phùng Thiên, Trung tâm Lưu trữ lịch sử trình bày).

Tòa đàm cũng nhận được sự chia sẻ kỷ niệm và đóng góp ý kiến của nguyên các lãnh đạo Chi Cục Văn Thư-Lưu trữ và Trung tâm Lưu trữ lịch sử. Ông Phan Minh Lý (Nguyên Chi Cục trưởng Chi Cục Văn thư-Lưu trữ) nhớ lai: Từ năm 1989-1998 tỉnh Bình Định được tái lập trở lại từ tỉnh Nghĩa Bình. UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tất cả hồ sơ, tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức khi chia, tách, sáp nhập phải được quản lý theo yêu cầu đảm bảo nguyên tắc tập trung, thống nhất và không phân tán phông lưu trữ. Nghĩa là tài sản chia đôi còn tài liệu lưu trữ thì tập trung bảo quản về kho lưu trữ tỉnh Bình Định. Theo bà Huỳnh Thị Kim Hương (Nguyên Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Văn thư-Lưu trữ) thì vui mừng khi Trung tâm Lưu trữ lịch sử đã có một đội ngũ những cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuẩn về trình độ, có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu từng bước được tăng cường, đảm bảo công tác lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh.

Tại buổi tọa đàm Kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh cũng đã nêu như những sự kiện nổi bật năm 2023 mà công chức, viên chức, người lao động Trung tâm đã thực hiện và giới thiệu ra mắt Trang Thông tin điện tử của Trung tâm, Logo, và trên các nền tảng xã hội khác: Fanpage, Youtube, Zalo…

Trong năm 2023, Trung tâm đã chủ động tham mưu Sở Nội vụ tổ chức thành công Lễ Công bố Triển lãm trực tuyến “Bình Định theo dòng lịch sử” bằng hình thức trực tuyến và trải nghiệm trên không gian 3D qua mạng Internet, sự kiện thu hút được công chúng trong và ngoài tỉnh, được nhiều cơ quan báo đài trung ương và địa phương đưa tin. Hơn 1.000 lượt học sinh, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn, Trường THPT Quốc Học Quy Nhơn đến tham gia trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Trong năm, đã thẩm định và tiếp nhận được: 2.858 hồ sơ (438 hộp), tương đương 61,99 mét giá tài liệu của 15 cơ quan, tổ chức, địa phương. Số hóa tài liệu lưu trữ của Phông UBND thành phố Quy Nhơn 1975 – 2007, với số lượng 295.975 trang văn bản. Tiếp nhận 12 con dấu của các cơ quan, tổ chức đã hết giá trị sử dụng do Công an tỉnh giao nộp vào Lưu trữ lịch sử. Thực hiện sưu tầm, thu thập tài liệu quý, hiếm trong tỉnh được 29 sắc phong và phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phục dựng scan in trên nền giấy dó 42 tờ (khổ A3) phiên bản tài liệu Châu bản Triều Nguyễn, tổ chức dịch thuật tài liệu lưu trữ quý, hiếm được 98 trang văn bản Tiếng Hán – Nôm và 97 trang tiếng Pháp dịch sang Tiếng Việt. Công tác bảo vệ, bảo quản tài liệu lưu trữ của tỉnh luôn được quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn phòng cháy, chữa cháy, phun hóa chất diệt mối…

Phát biểu tại buổi kỷ niệm, ông Trịnh Xuân Long, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Nội vụ biểu dương những kết quả đạt được của Trung tâm trong thời gian qua và nhấn mạnh trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với ngành là rất lớn, đòi hỏi đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Riêng năm 2024 cần tập trung vào các nội dung quan trọng của ngành Lưu trữ trong giai đoạn hiện nay chính là phát huy hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định để thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để xây dựng “một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ”.

Thay mặt Trung tâm, ông Lâm Trường Định phát biểu tiếp thu, cảm ơn những ý kiến phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Sở Nội vụ và các đại biểu, là nguồn động viên to lớn và định hướng hết sức quan trọng đối với hoạt động văn thư, lưu trữ trong thời gian tới. Sự đóng góp công sức của bao thế hệ làm công tác lưu trữ, góp phần to lớn cho những thành tích chung ngành lưu trữ tỉnh Bình Định với sự lớn mạnh không ngừng. Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác lưu trữ và của toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Nhân dịp Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống Ngành Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 – 03/01/2024), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh cũng khánh thành bia khắc ghi Thông đạt số 1C-VP ngày 3-1-1946 của Hồ Chí Minh: “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”. Thông đạt của Bác qua 78 năm luôn nhắc các thế hệ công chức, viên chức, người lao động ngành Lưu trữ Bình Định cũng như trong cả nước tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức vào sự nghiệp phát triển ngành Lưu trữ Việt Nam và sự phát triển của đất nước.
Ban Truyền thông (Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh)