Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tổ chức tọa đàm “Nhà lá mái Bình Định – đặc trưng và hướng bảo tồn, phát huy di sản”.
Sáng ngày 6.4, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Nhà lá mái – đặc trưng và hướng bảo tồn, phát huy di sản”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian (thuộc Hội VHNT tỉnh) và sinh viên khoa KHXH&NV (Trường ĐH Quy Nhơn).

Tại buổi tọa đàm, các tham luận của các nhà nghiên cứu đã khẳng định nhà lá mái là một loại hình hình kiến trúc nhà ở cổ truyền đặc sắc, nổi bật của Bình Định. So với các địa phương khác, nhà lá mái của Bình Định đã thể hiện dấu ấn trầm tích văn hóa của nhiều tộc người và kỹ thuật thiết kế phù hợp với địa văn hóa – nhân văn Bình Định.

Trong bài báo cáo của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang đã nêu bật: “Nên chăng, chính quyền tỉnh Bình Định cần có chính sách thiết thực tới người dân, đặc biệt là những chính sách lớn trong bảo tồn để vừa gìn giữ, vừa phát triển, lấy di tích “nuôi” di tích. Theo đó, Bình Định cần điều tra kĩ lưỡng, đánh giá cụ thể, đúng thực trạng nhà ở dân gian truyền thống. Chọn những ngôi nhà lá mái hoàn chỉnh nhất duy tu, bảo tồn…”.

Ngoài báo cáo chính của nhà nghiên cứu lịch sử- văn hóa Nguyễn Thanh Quang- Nguyên Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH- TT Bình Định), buổi tọa đàm còn có tham luận khác của các nhà nghiên cứu Phan Trường Nghị (Tây Sơn- Bình Định), giảng viên- tiến sĩ Châu Minh Hùng (ĐH Quy Nhơn), tiến sĩ Đinh Bá Hòa (nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định), giảng viên- nghiên cứu sinh Nguyễn Dự (ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh), của các nhà báo: Trần Bá Phùng, Trần Hoài Thu (Báo Bình Định).

Qua những ý kiến trong các bài tham luận, có thể nhận thấy nhà lá mái không chỉ là mô hình kiến trúc nhà ở dân gian mang đậm dấu ấn của văn hóa địa phương mà còn “di sản sống” đang tồn tại trong lòng môi trường văn hóa Bình Định. Do đó, nó cần được bảo tồn và quảng bá với tư cách là di sản văn hóa vật chất của địa phương, góp phần khẳng nhận những nét khu biệt vùng miền trong nhận thức về kiến trúc nhà ở truyền thống khu vực Nam Trung bộ.

Dịp này, Hội VHNT tỉnh cũng bàn giao tủ sách với hơn 1.200 đầu sách là những công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tiếp tục bảo quản, khai thác, phục vụ bạn đọc.

Ban truyền thông (TTLTLS)