TỌA ĐÀM KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ NGHIÊN CỨU VŨ NGỌC LIỄN (1924 – 2024)

Ngày 26.10 vừa qua, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định tổ chức buổi Tọa đàm về Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn – Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, hội viên danh dự của Hội VHNT tỉnh, nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (18/11/1924 – 18/11/2024) nhằm góp phần tôn vinh những thành tựu, đóng góp, cống hiến của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đối với nền văn hóa, sân khấu truyền thống của tỉnh nhà nói riêng, Việt Nam nói chung.

Ảnh: Các thành viên tham dự buổi Tọa đàm.

Mở đầu buổi tọa đàm là trích đoạn “Lan Anh lạc đẻ” do các thành viên của đoàn tuồng Đào Tấn thực diễn. Đây là vở tuồng mà Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn thuở sinh thời rất tâm huyết và luôn đau đáu về vở tuồng. Trích đoạn “Lan Anh lạc đẻ” trong vở “Hộ sanh đàn” là một trong những vở tuồng được nhà nghiên cứu đảm trách phần khảo dị, hiệu đính sắp xếp, làm bật lên cái tài, cái hay của danh nhân Đào Tấn.

Ảnh: Các nghệ sĩ trình diễn  đoạn trích “Lan Anh lạc đẻ”.

Thuở sinh thời, ông đã dành toàn bộ tâm ý của đời mình cho việc nghiên cứu truyền thống; như bao người con Bình Định khác, ông yêu thích và say mê hát bội. Ông tham gia cách mạng và công tác nhiều mảng, có lúc là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã, nhưng niềm đam mê hát bội đã gắn đời ông với nghệ thuật hát bội: khi Đoàn tuồng Liên khu V thành lập năm 1953, ông là thành viên và theo Đoàn tập kết ra bắc. Từ năm 1959-1966, ông được cử sang Trung Quốc học Lý luận sân khấu ở Hý khúc học viện, và tiếp tục làm nghiên cứu sinh ở Trung quốc Hý khúc Nghiên cứu viện. Đây là những năm tháng quan trọng để hình thành một vốn Hán ngữ cần thiết, một nhà nghiên cứu sân khấu truyền thống sau này. Khi về quê hương Bình Định, Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn phụ trách Phòng Nghiên cứu Nhà hát tuồng Đào Tấn, ông tiếp tục hoàn thiện việc sưu khảo, hiệu đính, chú giải, phiên dịch thơ và từ, tuồng hát bội Đào Tấn, các nghiên cứu về hát bội và hát bội Bình Định. Tiếp theo, dù đã cận cửu tuần, ông còn cố gắng hoàn thiện các tuồng hát, di cảo thơ văn Nguyễn Diêu và nghiên cứu thấu đáo các giá trị nghệ thuật độc đáo của “ông đồ nghệ sĩ” là thầy Đào Tấn.

Ảnh: Các nhà nghiên cứu, lãnh đạo tham dự buổi Tọa đàm.

Năm 2012, bộ 3 công trình về Đào Tấn: Đào Tấn – Thơ và từ; Đào Tấn – tuồng Hát bội; Đào Tấn – qua thư tịch, và chuyên khảo về hát bội, văn hóa Bình Định: Góp nhặt dọc đường, đã vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT. NNC Vũ Ngọc Liễn trích một phần Giải thưởng, cùng nhiều Mạnh thường quân vận động thành lập “Giải thưởng Vũ Ngọc Liễn – Khuyến tài Hát bội Bài chòi Bình Định”. Giải thưởng đã có 10 năm hoạt động kịp thời khen thưởng những tài năng trẻ Bình Định làm nghệ thuật truyền thống cả từ các đơn vị chuyên nghiệp, không chuyên, hay phong trào. Có thể nói, ông đã dành trọn đời mình cho hát bội, hát bội Bình Định và Đào Tấn, Nguyễn Diêu. Ông kịp dự, trao giải lần thứ I Giải thưởng mang tên mình, trước khi qua đời cuối năm 2013.

Ảnh: Các nhà nghiên cứu, chuyên gia trình bày các tham luận tại buổi Tọa đàm.

Tiến sĩ Võ Ngọc Vĩnh – con trai, đại diện gia đình Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã trao tặng cho Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định bộ sách, tư liệu của Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.

Ảnh: Tiến sĩ Võ Ngọc Vĩnh trao tặng sách và tư liệu cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh.

Trước khối tài sản vô giá là các kết quả nghiên cứu của cụ Vũ Ngọc Liễn, đặc biệt là những nghiên cứu còn dở dang, tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã khẳng định một lần nữa về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình nghiên cứu cho các thế hệ hậu học. Đồng thời khẳng định sự đóng góp của ông vào nền văn hóa phong phú của tỉnh nhà nói riêng và văn hóa đất nước nói chung./.

Hoàng Anh – Ban Truyền thông

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Scroll to Top