Tổng tập Công thần triều Nguyễn qua tài liệu Mộc bản – Di sản tư liệu thế giới
Hành trạng công tích của các công thần thời Nguyễn đã được lịch sử ghi nhận, lưu danh trong chính sử và ghi chép tản mạn trong nhiều loại hình tư liệu. Song do chiến tranh tao loạn, thiên tai tàn phá nên nhiều tài liệu có nội dung trên bị thất thoát, hủy hoại, một số được sao chép lại và dẫn đến những sai lệch so với nguyên tác.
Với mong muốn cung cấp tới bạn đọc nguyên tác các ấn phẩm Mộc bản, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã tổ chức tuyển chọn, dịch và biên soạn bộ sách Tổng tập Công thần triều Nguyễn qua tài liệu Mộc bản – Di sản tư liệu thế giới. Từ tính chất xác thực của tài liệu Mộc bản, các tiêu chí của văn bản học trong tuyển dịch, giới thiệu ở đây đã đảm bảo cơ bản về mặt khoa học. Mỗi nét chữ, đoạn văn được đục khắc cẩn thận, đều đặn, có hàng, có lối trên từng tấm Mộc bản đã khẳng định thêm giá trị khoa học của dạng tài liệu này. Các bản dập được thực hiện theo phương pháp thủ công từ mỗi ván in đã cho ra đời nguyên tác vãn bản trung thành từng nét dấu nhỏ. Đối chiếu với thư tịch Đại Nam chỉnh biên liệt truyện đã được công bố, lưu hành, ngoài một số dấu tích chứng nhận, hiệu điểm dưới góc độ văn bản học thì hoàn toàn có sự trùng lặp chính xác giữa bản dập Mộc bản và sách sử đã in lưu hành thời Nguyễn.
Trong tập 2 này, việc tuyển chọn, giới thiệu về các công thần triều Nguyễn được sắp xếp theo đơn vị hành chính địa phương cấp tỉnh, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, trong đó phần cuối giới thiệu các công thần thuộc Tôn thất nhà Nguyễn. Ở mỗi tỉnh, các công thần được giới thiệu theo thứ tự ABC tên nhân vật, không xếp theo họ, niên đại, chức vụ hay quê quán cấp huyện.
Nội dung ghi về mỗi công thần với các tiêu chí chính theo trình tự: họ tên (tên tự, tên hiệu và cả việc thay đổi tên họ), quê quán, chức vụ cấp bậc, phẩm tước, hành trạng công tích, quá trình làm quan. Mỗi nhân vật được ghi chép theo sách sử nên dài ngắn khác nhau; có người chỉ tóm tắt qua vài dòng, cũng có người thì chép kỹ đến nhiều trang tùy theo công trạng của họ. Nổi bật với các tên tuổi công thần như: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Tri Phương, Trần Tiễn Thành, V.V.. Họ đã đi vào lịch sử dân tộc gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước thời Nguyễn. Tập sách cũng giới thiệu những nhân vật ngày nay ít được biết đến như Nguyễn Văn Thành – vị đại tướng tài ba trở thành Tổng trấn đầu tiên ở Bắc thành triều Gia Long với nhiều công tích.
Những thông tin tuy sơ lược song đầy đủ với mỗi nhân vật trong sách đã góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu trong việc nghiên cứu lịch sử thời Nguyễn nói chung, dòng họ nhân vật nói riêng, nhất là đối với các nhân vật không nổi danh chỉ được ghi chép trong Đại Nam chinh biên liệt truyện, Việc hoàn thành và công bố cuốn sách này có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào công cuộc bảo tồn, nghiên cứu, khai thác di sản văn hóa Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách Tổng tập Công thần triều Nguyễn qua tài liệu Mộc bản – Di sản tư liệu thế giới, tập 2. Hy vọng chúng ta sẽ tìm thấy ở đây những thông tin mới, có giá trị về các vị công thần dưới triều Nguyễn nói riêng và lịch sử thời Nguyễn nói chung, giai đoạn lịch sử đầy biến động song cũng rất hào hùng của dân tộc.
CÔNG THẦN TRIỀU NGUYỄN QUA TÀI LIỆU MỘC BẢN_1