Triển lãm tài liệu lưu trữ “Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định”

Triển lãm trưng bày, giới thiệu khoảng 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật được sưu tầm, thu thập từ các cơ quan, tổ chức (các Trung tâm lưu trữ quốc gia, Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Tòa Giám mục Quy Nhơn, Tiểu Chùng viện Làng sông,…) và các cá nhân trong và ngoài tỉnh hiện đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh.

Đây là những dẫn chứng xác thực cụ thể, cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích về quá trình hình thành và phát triển của Bình Định.

Bố cục: Gồm không gian khai mạc và 4 phần

Phần 1: Vai trò chữ Quốc ngữ tại Việt Nam công bố các tư liệu, tài liệu, hình ảnh về quá trình hình thành chữ Quốc ngữ tại Việt Nam và vai trò chữ Quốc ngữ tại Việt Nam.

Phần 2: Bình Định trong dòng phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ.

Từ thế kỷ XVII, Bình Định trở thành một vùng đất quan trọng trong sự phát triển và mở rộng Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn – nhà nước đầu tiên có vai trò quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ. Tháng 7/1618, Nước Mặn trở thành cư sở đầu tiên của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong. Cũng từ năm 1618, tại Nước Mặn, các giáo sĩ Dòng Tên như: Cristoforo Borri, Francisco de Pina, Francesco Buzomi đến truyền giáo, học tiếng Việt và dùng chữ cái Latin để ghi âm tiếng Việt dưới sự giúp đỡ của Tuần phủ khám lý Quy Nhơn Trần Đức Hòa. Ngoài ra, các văn nhân, học sĩ bản địa cũng góp công hỗ trợ các linh mục ghi âm tiếng Việt để Latin hóa tiếng Việt qua chữ viết.

Phần3: Quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ tại Bình Định.

Bằng việc kế thừa và phát triển hệ thống các ký âm tiếng Việt của các giáo sĩ phương Tây đi trước, Alexandre de Rhodes đã xuất bản cuốn từ điển Việt – Bồ – La vào năm 1651 tại Roma. Từ năm 1651 đến năm 1862, phạm vi sử dụng của chữ Quốc ngữ chủ yếu vẫn giới hạn môi trường và không gian hoạt động của đạo Thiên Chúa. Từ năm 1862, Thực dân Pháp xâm lược, đưa chữ Pháp trở thành văn tự chính thống của nhà nước đô hộ và chữ Quốc ngữ được sử dụng cùng với tiếng Việt trong giao tiếp cộng đồng và một phần trong hành chính, giáo dục cấp tiểu học, trung học. Năm 1882, Thực dân Pháp ra nghị định về việc công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của Việt Nam. Từ 1882-1945, quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ tại Bình Định phát triển mạnh mẽ thông qua hoạt động tại nhà in Làng Sông, mở trường dạy chữ Quốc ngữ tại Bình Định. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền cách mạnh của các tổ chức chính trị xã hội diễn ra mạnh mẽ tại Bình Định từ 1930-1945.

Phần 4: Phát huy giá trị di sản văn hóa hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định.

Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chữ Quốc ngữ trong sự phát triển của đất nước, tỉnh Bình Định đã tích cực phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến văn hóa nói chung và chữ Quốc ngữ nói riêng như: Tổ chức Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ (13/01/2016), Lễ hội Chùa Bà – nước mặn diễn ra hằng năm (02/02 âm lịch) và các tour du lịch đến các địa điểm liên quan đến chữ Quốc ngữ điển hình như làng nhà in Làng Sông, nhà thờ Nước Mặn, khu tưởng niệm Khám lý Trần Đức Hòa….

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Scroll to Top