Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh xây dựng văn hóa Đọc theo định hướng phục vụ cộng đồng.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7-1998) đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cho thấy chuyển biến hết sức mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế và xây dựng Đảng. Nghị quyết đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”. Văn hóa Đọc – một bộ phận của Văn hóa – là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại – xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức.
Trong thời đại Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng và phát triển văn hóa Đọc ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Văn hóa Đọc không chỉ là việc cá nhân tự học hỏi và phát triển bản thân, mà còn là một yếu tố cốt lõi để xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững, giàu tri thức. Việc định hướng văn hóa Đọc theo hướng phục vụ cộng đồng không chỉ nâng cao kiến thức chung mà còn thắt chặt tình đoàn kết và tạo ra một môi trường sống lành mạnh. Thông qua đó định hướng cho người dân tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình.

Nhận thấy tầm quan trọng của sách, tri thức và văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách lớn để thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Theo đó, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định đã và đang từng bước xây dựng văn hóa đọc theo định hướng phục vụ cộng đồng. Việc xây dựng tủ sách tại Trung tâm với đa dạng các thể loại sách khác nhau là một bước quan trọng trong việc phát triển không gian đọc sách và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa cho cộng đồng, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với nhiều thể loại khác nhau, từ sách thiếu nhi, văn học, khoa học đến sách hướng dẫn và chuyên sâu nghiên cứu về một chủ đề cụ thể, tạo điều kiện cho người đọc tiếp cận nhiều nguồn thông tin.




Tủ sách được xây dựng với nhiều thể loại sách khác nhau.
Phòng đọc được bố trí ở tầng 2 trong tòa nhà 8 tầng của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Không gian nơi đây được bài trí đẹp mắt, khoa học với các kệ đựng sách, tài liệu, kết hợp hệ thống kiot hỗ trợ tìm kiếm, khai thác tài liệu một cách nhanh chóng. Ngoài ra, phòng đọc còn được thế kế để có thể tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập,…của các bạn học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, trí thức, …


Một trong những ưu điểm của phòng đọc là bạn đọc có thể lựa chọn sách và đọc ngay tại chỗ mà không mất quá nhiều thời gian làm thủ tục mượn sách. Độc giả sẽ cảm thấy thoải mái và thích thú hơn khi các đầu sách được cập nhật liên tục với nhiều lĩnh vực khác nhau, phục vụ đắc lực nhu cầu đọc sách, tìm hiểu kiến thức của đông đảo người yêu sách.


Phòng đọc Trung tâm thu hút nhiều đối tượng độc giả khác nhau
Không gian đọc của Trung tâm không chỉ là nơi lưu trữ sách mà còn là nơi khơi nguồn cảm hứng và kiến thức cho mọi người. Hiện tại, Trung tâm Lưu trữ hiện đang là địa điểm thu hút nhiều học sinh, sinh viên cũng như những cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu đến tham quan và tiếp cận thêm nhiều tri thức tại đây. Với mô hình này, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh mong muốn không chỉ trở thành điểm đến lý tưởng cho việc đọc sách mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa và giáo dục trong xã hội, qua đó, giúp cho phong trào đọc sách của cộng đồng dân cư trên điạ bàn tỉnh ngày càng phát triển.
(Nguyễn Quý)